Những hành vi chưa đủ chuẩn
Thời gian qua, Internet thường xuyên xuất hiện hình ảnh của những biển cảnh báo đánh thẳng vào sự tự tôn của người Việt Nam. Những tấm biển được đặc cách viết bằng tiếng Việt ở khắp các nước châu Á rồi châu Âu, cảnh báo về những tội tham lam, tội hay “cầm nhầm” hay đơn giản hơn là lỗi dùng đồ của người khác mà không xin phép. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, trong khi bà con trong nước thì lên tiếng trách móc những đại diện đang làm xấu mặt dân tộc ở hải ngoại.
Hướng dẫn tiếng Việt riêng ở công viên chung tại Nhật
Đến một biển cấm đổ rác ở Hàn Quốc
Tuy nhiên, dù giận hay tủi hổ đến mấy, chúng ta cũng vẫn phải thừa nhận lỗi ở mình và tìm cách khắc phục. Thông qua những phản ánh của các thực tập sinh và các bạn du học sinh tại Nhật Bản, CEO hiểu được những hành động bị cho là thiếu ý thức nhiều khi xuất phát do chưa kịp làm quen với phong tục và thói quen của xã hội của nước bạn. Do đó, trong phạm vi bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách người Nhật đổ rác – một trong những lỗi dễ vô tình mắc phải nhất của người Việt Nam tại đây.
Đổ rác – chuyện phức tạp ở Nhật
Do có tài nguyên đất khá hữu hạn, người Nhật không có nhiều chỗ để mà chôn lấp rác. Mặt khác, dân cư đông đúc tại các siêu đô thị và nền kinh tế phát triển cao sản sinh ra 45.360.000 tấn rác mỗi năm (xếp thứ 8 trên thế giới). Vì thế Nhật Bản từ sớm đã cho ra đời và phát triển hệ thống phân loại và xử lý rác thuộc hàng phức tạp nhưng đồng thời cũng hiệu quả nhất thế giới. Đương nhiên, hệ thống đó chỉ có thể được vận hành trơn tru khi có sự cộng tác của toàn dân.
Dòng nước ngập úng trong sạch thể này là kết quả của mô hình xử lý rác thải nghiêm ngặt
Vì thế, một trong những việc đầu tiên mà bạn cần học khi tới Nhật là học cách người địa phương đổ rác. Kể cả khi bạn sống trong những khu nhà cho thuê tập trung của các công ty thì bạn cũng vẫn phải tự đi đổ rác lấy. Mà mỗi thành phố, thậm chí là mỗi công ty đôi khi cũng có những hướng dẫn riêng cho việc đổ rác. Bạn bắt buộc sẽ phải học thuộc lòng vì nếu vi phạm, khả năng cao là bạn sẽ bị nêu gương xấu trước rất nhiều người.
Phân loại rác là nghĩa vụ của mỗi người dân
Nghĩa vụ quan trọng nhất của người dân Nhật Bản trong việc xử lý rác thải của chính bản thân mình đó là “phân loại”. Dù có sự khác nhau giữa các địa phương, nhưng nhìn chung người Nhật sẽ phân loại rác thành các nhóm tái chế được, nhóm đốt được và nhóm không đốt được.
Thùng rác công cộng có hướng dẫn phân loại vô cùng dễ hiểu
Chưa hết, các nhóm này còn được phân lịch để thu gom chứ không có chuyện bạn được xách cả ba túi ra quẳng một lèo là xong đâu nhé! Người Nhật đổ rác đúng giờ, theo lịch được cơ quan thu gom rác phát hành. Nếu bạn đổ đúng giờ mà nhầm loại rác thì nhẹ là họ sẽ không thu rác của bạn mà nặng hơn là họ sẽ đem rác về trả tận cửa nhà bạn, kèm theo hướng dẫn cho lần đổ tiếp theo.
Người Việt chúng ta rất hay mắc phải “tội lỗi ngây thơ”
Phương Linh – du học sinh Việt Nam tại Nhật chia sẻ: ngay tuần đầu tiên đến Nhật, do chủ quan không đọc kỹ lịch đổ rác, bạn đã vô tư mang rác đã phân loại đi đổ vào thùng rác chung của khu phố. Lần đó may mắn là có một cụ ông bắt gặp và ngăn Phương Linh lại. Mặc dù bị cụ ông giảng cho một bài khá gay gắt nhưng Phương Linh vẫn thấy may vì nếu không sẽ bị trả rác về tận nhà, như thế thì xấu hổ.
Một túi rác đã được phân loại vẫn bị trả về vì đổ không đúng ngày, kèm lời nhắn của công nhân vệ sinh
Trong một trường hợp khác, một nhóm thực tập sinh (TTS) Việt Nam tại tỉnh Saitama – Nhật Bản đã bị quản lý gọi lên quở trách nặng nề về chuyện xả rác ở công ty ngay trong tuần thứ 2 làm việc. Mặc dù công ty tiếp nhận nhóm TTS này đã phổ biến quy định về việc xả rác trong khuôn viên công ty từ sớm, đồng thời còn phát hành sổ tay hướng dẫn bằng tiếng Việt nhưng nhóm TTS kể trên đã không nhanh chóng sửa chữa những thói quen vô tổ chức.
Đưa ví dụ như vậy là để nói rằng: lỗi của một số người Việt chúng ta có thể xuất phát từ nhiều lý do, đó có thể là thói quen tiểu nông hay sự vấp váp khi thích nghi nhưng chúng ta không thể yêu cầu sự thông cảm từ phía đối tác Nhật Bản. Qua một vài thông tin kể trên, hy vọng cộng đồng người Việt tại Nhật và đặc biệt các bạn thực tập sinh, du học sinh của CEO sẽ có sự lưu ý cao hơn trong những vấn đề tương tự.